In trang

Bộ GD&ĐT kỳ vọng vào phương pháp “Bàn tay nặn bột”
Cập nhật lúc : 21:38 14/06/2016

(GDVN) - “Bàn tay nặn bột” được hiểu là phương pháp tạo cho học sinh tích cực, chủ động trong học tập. Học sinh phải tự làm các thực nghiệm để tiếp thu các kiến thức khoa học. Các em tiếp cận tri thức khoa học như một quá trình nghiên cứu của chính bản thân. Trong đó vai trò của giáo viên ở phương pháp này không phải là truyền thụ những kiến thức khoa học dưới dạng thuyết trình, trình bày mà là giúp xây dựng kiến thức bằng cách cùng hành động với học sinh.

Trong thời gian 3 ngày (từ 25-27/9) đợt tập huấn quốc tế về phương pháp “Bàn tay nặn bột” đối với ba nước Việt Nam, Lào và Campuchia diễn ra tại Hà Nội. Đợt tập huấn này sẽ góp phần nâng cao năng lực thiết kế, phân tích các tiến trình dạy học theo tư tưởng Bàn tay nặn bột cũng như năng lực thiết kế các khóa đào tạo của các chuyên gia, giảng viên của Campuchia, Lào và Việt Nam.

Kỳ vọng vào phương pháp của nước ngoài

"Bàn tay nặn bột" là một phương pháp dạy học tích cực, và hơn thế nữa, một chiến lược về giáo dục khoa học do các nhà khoa học Pháp khởi xướng cho phép đáp ứng những yêu cầu dạy học mới. Vì thế, Bàn tay nặn bột đã được vận dụng, phát triển và có ảnh hưởng sâu rộng  đến giáo dục khoa học không chỉ ở Pháp mà còn ở rất nhiều khu vực, nhiều nước khác trên thế giới trong đó có khu vực Đông Nam Á.

GS. Pierre LeNa, Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Pháp, Chủ tịch Tổ chức Bàn tay Nặn bột Pháp cho biết, mục tiêu của chương trình Bàn tay nặn bột là giúp trẻ em trưởng thành và đứng vững với đôi chân của mình. Ảnh Xuân Trung

GS. Pierre LeNa, Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Pháp, Chủ tịch Tổ chức Bàn tay Nặn bột Pháp cho biết, mục tiêu của chương trình Bàn tay nặn bột là giúp trẻ em trưởng thành và đứng vững với đôi chân của mình, bằng cách các em được thực hành với các ngành khoa học trong đó có khoa học thiên nhiên, thực nghiệm và quan sát.

Những ngành khoa học này bao quanh tư duy của học sinh, đặc biệt không có môn Toán vì Toán là môn logic trừu tượng. GS. Pierre LeNa cũng khẳng định, phương pháp mới này giúp cho học sinh say mê hoàn toàn nhưng có lí trí.

Tại nhiều nước trước khi áp dụng phương pháp Bàn tay nặn bột, khi điều tra hỏi học sinh thì hầu hết học sinh cho rằng không hứng thú với cách giảng dạy khoa học trong trường, các em cho rằng không như mong muốn của các em. Một câu hỏi thứ hai đặt ra cho học sinh nhiều nước rằng, nếu như đưa thật nhiều môn khoa học vào trường vẫn theo cách dạy đó thì câu trả lời không có gì thay đổi.

GS. Pierre LeNa cho biết, biểu hiện khoa học của đứa trẻ vô cùng lớn từ độ tuổi từ 5-12 tuổi, ở độ tuổi này phát triển về mặt tri nhận, mối quan hệ xung quanh được xây dựng dần như bằng cách sờ mó, thường xuyên đặt câu hỏi tại sao. Đây là biểu hiện của hai năng lực khoa học ở đứa trẻ: thử nghiệm và tiếp xúc.

Theo nghiên cứu của Trường Đại học Mác –xây (Pháp), học sinh làm bài tập thường cho kết quả khác nhau giữa nam và nữ, học sinh nữ thường làm không tốt so với nam, tuy nhiên nếu cùng một bài tập đó được làm dưới dạng nghệ thuật thì học sinh nữ lại tốt hơn nam. 

Do vậy, theo GS. Pierre LeNa, học sinh phải được có cơ hội thảo luận, chơi chưa phải là đủ mà phải được vận hành, được thực nghiệm để nâng cao tri thức cho trẻ. Với phương pháp của Bàn tay nặn bột có thể đưa ra nhiều giả thuyết cho học sinh, bất cứ giả thuyết nào cũng được nghiên cứu, thử nghiệm, rồi đưa ra kết luận và chia sẻ kết luận cho người khác.

Theo đánh giá của GS. Pierre LeNa, khi áp dụng phương pháp dạy học này ở độ tuổi thiếu niên sẽ khác với trẻ nhỏ, do đó buộc phải thay đổi phương pháp sư phạm để phù hợp với độ tuổi và tâm lí. Đây là lứa tuổi phức tạp nhưng rất quan trọng. 

Ở lứa tuổi này có những thách thức cơ bản đó là học sinh nông thôn phải hòa nhập với thành thị, học sinh đứng trước nguy cơ biến đổi khí hậu, học sinh với thời đại Internet. Do vậy, theo GS. Pierre LeNa làm thế nào để chuẩn bị cho thiếu niên đối mặt với thách thức đó, đây là lí do đưa môn khoa học và giảng dạy. 

“Công dân phải được chuẩn bị trước sự lựa chọn của xã hội, phải hiểu được công nghệ, nếu không duy lí thì không có khả năng đánh giá về thách thức. Khoa học phải được nuôi dưỡng từ sớm trong tư duy của đứa trẻ” GS. Pierre LeNa khẳng định.

Học sinh hứng thú với “Bàn tay nặn bột”

Ở Việt Nam, Bàn tay nặn bột đã được đưa vào nhờ các hoạt động giới thiệu và tổ chức tập huấn của GS. Trần Thanh Vân và Tổ chức Gặp gỡ Việt Nam hơn 10 năm qua. Nhận thấy lợi ích của phương pháp Bàn tay nặn bột, Bộ GD&ĐT đã quyết định triển khai thử nghiệm trên diện rộng ở hàng chục tỉnh từ năm 2011 và đã chính thức triển khai đại trà ở cấp Tiểu học và THCS từ năm học 2013 - 2014.

GS. Trần Thanh Vân cho rằng, phương pháp này giúp cho học sinh biết cách lí luận, lí luận từ thực tế. Ảnh Xuân Trung

Trao đổi với phóng viên, GS. Trần Thanh Vân cho biết, “Bàn tay nặn bột” trong tương lai có thể biên soạn vào chương trình SGK của Việt Nam. Nhưng quan trọng theo ông làm sao cho các em hiểu được thực tế vì sao và thường đặt những câu hỏi thực tế trong quá trình học.

GS. Trần Thanh Vân cũng cho rằng, phương pháp này giúp cho học sinh biết cách lí luận, lí luận từ thực tế. Tuy vai trò của người thầy trong khâu này rất quan trọng, trong khi đó theo nhận xét của GS. Trần Thanh Vân đội ngũ nhà giáo trong nước chưa được đào tạo bài bản, gây khó khăn trong quá trình triển khai. Hằng năm Bộ GD&ĐT liên tục tổ chức các lớp tập huấn giáo viên nâng cao năng lực, đây là một chương trình dài hạn vì số lượng giáo viên đông.

“Chúng tôi cũng mong rằng tinh thần của “Bàn tay nặn bột” từ từ sẽ thấm vào da thịt của từng giáo viên, sau này “Bàn tay nặn bột” sẽ là một phương pháp mà mỗi giáo viên cảm thấy tự có chứ không cần tới sách vở ” GS. Trần Thanh Vân kỳ vọng.

Một khó khăn nữa trong việc áp dụng phương pháp Bàn tay nặn bột này là số lượng học sinh/lớp học của Việt Nam quá đông, nếu như ở các nước mỗi lớp chỉ khoảng ngoài 20 học sinh thì việc áp dụng phương pháp rất thuận lợi. GS. Trần Thanh Vân phân vân, đây còn là một khó khắn lớn của đất nước chúng ta. 

Tính từ năm 2011 tới nay nhiều tỉnh thành đã áp dụng phương pháp mới này trong việc giảng dạy và đã có những kết quả nhất định. Theo GS. Trần Thanh Vân, việc áp dụng này ở Việt Nam là một bước đầu trong sự tiến triển, một phương pháp dạy dỗ mới: “Kết quả của giáo dục không phải một ngày mà là sau nhiều năm. Ở Việt Nam thì muốn biết được rằng áp dụng trong hôm nay phải có hiệu quả như thế nào, đó là khó khăn vì giáo dục đâu chỉ một hôm sớm mai thức dạy là có kết quả ngay? Giáo dục là đầu tư dài hạn” GS. Trần Thanh Vân nói.

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển (giữa) đánh giá cao phương pháp từ Bàn tay nặn bột mang lại. Trong ảnh Thứ trưởng Hiển trao đổi với đối tác từ Pháp về kinh nghiệm áp dụng phương pháp này. Ảnh Xuân Trung

Đánh giá về phương pháp mới này, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết, giáo dục khoa học là một trong những nhiệm vụ cơ bản, thiết yếu của giáo dục phổ thông để phát triển các năng lực chung và năng lực khoa học của học sinh. 

Giáo dục khoa học phải đảm bảo mỗi học sinh đều tích cực, chủ động, tự mình tìm được kiến thức mới cho mình; các kiến thức và kỹ năng mà các em đạt được sẽ có tính bền vững, đồng thời bồi dưỡng các em tính tò mò, niềm vui hứng thú và ham thích khoa học; cũng qua đó các em dần hình thành và được rèn luyện phương pháp tự học và nghiên cứu khoa học.

Theo Thứ trưởng Hiển, bắt đầu từ năm học 2013-2014 sẽ chính thức triển khai đại trà phương pháp Bàn tay nặn bột ở cấp Tiểu học và THCS. “Để có thể triển khai rộng và vững chắc, phù hợp với điều kiện thực tế của nhà trường Việt Nam, một trong những yêu cầu cấp thiết là tiếp tục bồi dưỡng, nâng cao hiểu biết và năng lực vận dụng phương pháp này cho đội ngũ chuyên gia, giảng viên, giáo viên các địa phương, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cũng đã và đang đào tạo được một số Thạc sĩ về phương pháp dạy học Bàn tay nặn bột” Thứ trưởng Hiển chia sẻ.

10 nguyên tắc cơ bản khi áp dụng “Bàn tay nặn bột” trong giảng dạy của giáo viên

Thứ nhất: Học sinh quan sát sự vật, hiện tượng trong thực tế gần gũi với các em để các em dễ cảm nhận, dễ thực nghiệm trên chúng.

Thứ hai: Trong quá trình tự thực nghiệm, học sinh đưa ra ý kiến, nêu thắc mắc, kết luận riêng và thảo luận trong tập thể (nhóm, cả lớp) từ đó rút ra kiến thức khoa học.

Thứ ba: Giáo viên chỉ thực hiện vai trò đề xuất, tổ chức các thực nghiệm cho học sinh theo một tiến trình sư phạm chặt chẽ. Giáo viên không làm sẵn cho học sinh.

Thứ tư: 
Áp dụng phương pháp này cần một thời lượng tối thiểu là 2 giờ/tuần trong nhiều tuần liền cho một đề tài. Tính liên tục của các hoạt động và những phương pháp giáo dục được bảo đảm suốt trong thời gian học tập.

Thứ năm: Mỗi học sinh có quyển vở thực hành riêng do chính các em ghi chép theo ngôn từ và cách thức của riêng mình.

Thứ sáu: Mục đích chính của phương pháp này là học sinh tiếp nhận được các khái niệm khoa học và kĩ thuật thực hành. Song song đó là củng cố ngôn ngữ viết và nói của các em.

Thứ bảy: Phụ huynh học sinh và tất cả mọi người xung quanh cần được khuyến khích hỗ trợ những điều mà học sinh, lớp học cần để thực nghiệm.

Thứ tám: Các đối tác khoa học (trường ĐH, CĐ, trường nghề, viện nghiên cứu…) ở địa phương cần giúp các hoạt động của lớp theo khả năng của mình.

Thứ chín: Ngành giáo dục, trường sư phạm giúp giáo viên các kinh nghiệm và phương pháp giảng dạy.

Thứ mười: Giáo viên cần chủ động tự học, tự tìm hiểu tài liệu, kiến thức liên quan; trao đổi với đồng nghiệp, các nhà khoa học… để nâng cao kiến thức. Giáo viên là người chịu trách nhiệm giáo dục và đề xuất những hoạt động của lớp mình phụ trách.
 
 
                                                                                                                                                                                         (sưu tầm)