Học tập là một việc suốt đời ''

Ngày 13 tháng 01 năm 2025

ĐĂNG NHẬP TÀI KHOẢN

Quên mật khẩu ?Đăng kí tài khoản

 » Tin tức

Tin tức

Cập nhật lúc : 15:28 11/09/2013  

"Căn bệnh thành tích” trong giáo dục sẽ tích thành "trọng bệnh”!


"Cụm từ “bệnh thành tích” xuất hiện gần đây không chỉ nói về hiện trạng kết quả thi cử cao trong ngành Giáo dục mà là tình trạng chung trong hoạt động ở tất cả các lĩnh vực. Vấn đề là tại sao lại phải có bệnh thành tích?...". TS Dương Xuân Thành đặt câu hỏi.

Trong bài viết trước: Học để làm việc hay để làm … quan? TS Dương Xuân Thành đã đưa ra những phân tích rất sâu sắc về các vấn đề liên quan đến công tác dạy và học ở nước ta hiện nay. Trong khi trên thế giới rất chú trọng đào tạo kỹ sư thực hành (kỹ sư nghề) thì với quyết định 37 đào tạo nghề nước ta chỉ dừng ở mức cao đẳng. Phải chăng trường nghề teo tóp vì học nghề ra trường chỉ có làm công nhân, con đường tiến thân của những “cử nhân nghề” cũng chỉ quanh quẩn trong nhà máy, xí nghiệp, mấy người trong số đó bước chân được vào các “phòng lạnh” để mà hoạch định phương hướng, chính sách...

Báo Giáo dục Việt Nam xin trân trọng giới thiệu phần 2 của bài viết ("Căn bệnh thành tích” trong giáo dục sẽ tích thành "trọng bệnh”!) đến quý vị độc giả.

Thứ hai: công cụ giáo dục. Cụm từ “công cụ giáo dục” nghe có vẻ chưa chuẩn xác lắm nhưng người viết xin tạm dùng để giải thích một vài điều.

Công cụ giáo dục là tất cả những gì nhà nước sử dụng để thực hiện nhiệm vụ giáo dục. Nó bao gồm các chính sách thể hiện qua luật và các văn bản quy phạm pháp luật, đội ngũ giáo viên, sách giáo khoa, cơ sở vật chất. Công cụ giáo dục còn là những tài sản vô hình như truyền thống học tập, chỉ số thông minh của con người…

Nhìn tổng thể sáu mươi năm qua, tính từ năm 1954 đến nay, chính sách giáo dục đã qua nhiều lần chỉnh sửa, đổi mới song có một điều không hề thay đổi đó là chính sách đào tạo giáo viên. Ngoại trừ việc miễn học phí cho sinh viên, nhà nước không hề có một phương thức hữu hiệu nào để thu hút học sinh giỏi vào ngành sư phạm.

Đội ngũ giáo viên được đào tạo sáu mươi năm qua đa số là thuộc diện “chuột chạy cùng sào” hoặc quanh quẩn điểm sàn. Người xưa đã tổng kết về giáo dục qua câu châm ngôn: “không thầy đó mày làm nên”. Không có thầy giỏi làm sao có được trò giỏi. Tính trung bình chu kỳ làm việc là khoảng 30 năm thì có nghĩa là hai thế hệ giáo viên đã nghỉ hưu và hiện nay là thế hệ thứ ba. Đến bao giờ ngành Giáo dục mới có được niềm kiêu hãnh khi thí sinh thi vào đại học sư phạm 27 điểm vẫn bị trượt?

Cụm từ “bệnh thành tích” xuất hiện gần đây không chỉ nói về hiện trạng kết quả thi cử cao trong ngành Giáo dục mà là tình trạng chung trong hoạt động ở tất cả các lĩnh vực. Vấn đề là tại sao lại phải có bệnh thành tích?

Ở đây có sự vận dụng một cách lệch lạc cơ chế thị trường, theo đó nếu một đơn vị làm ăn tốt thì lãnh đạo sẽ hưởng lương cao, sẽ tiếp tục công việc điều hành. Biểu hiện của “làm ăn tốt” trong giáo dục dễ thấy nhất là tỷ lệ đỗ các kỳ thi. Một khi thành tích giáo dục là toàn quốc đỗ tốt nghiệp PTTH 99% thì không có lý do gì lãnh đạo phải “hạ cánh”.

Hóa ra “bệnh thành tích” lại liên quan mật thiết đến cái “ghế” chứ không phải là nhu cầu của xã hội. Và nếu không kịp thời điều chỉnh, cứ để lâu ngày thì đương nhiên hậu quả của nó sẽ là “tích thành bệnh”.

Có thể nói các cải cách, đổi mới vừa qua chỉ là những thay đổi manh mún theo tâm lý “tiểu nông”. Một cải cách toàn diện, triệt để phải bắt đầu bằng sự thống nhất ở cấp cao nhất. Một sự thống nhất không phải chỉ ở chủ trương mà còn ở sức mạnh vật chất để hiện thực hóa các chủ trương đó.

Lâu nay có một xu hướng luôn cho là chủ trương đúng nhưng cấp dưới, cấp thực hiện thì hoặc là thực hiện không đúng hoặc là chậm trễ. Thực ra thì nói bao giờ cũng dễ hơn làm, nếu đất nước luôn ở trạng thái “trên bảo, dưới không nghe” thì cấp trên cần phải biết “giật mình” để cho cấp dưới bớt “ngủ gật” trong phòng lạnh.

“Cấp trên” dù sao cũng là một số ít người và đương nhiên thế lúc nào cũng có lúc không đúng, đón nhận  một cách tỉnh táo các ý kiến phản biện xã hội là phương cách hữu hiệu để “giật mình”, để không cùng “ngủ gật” với cấp dưới. Hy vọng sẽ không bao giờ lặp lại câu truyện vừa khóc vừa cười như việc “cộng điểm cho bà mẹ Việt Nam anh hùng thi đại học”.
GS. TSKH Hồ Ngọc Đại đã nêu một ý kiến thật sâu sắc: “Cuộc cải cách giáo dục năm 1980 từ bỏ giải pháp Hoàng Xuân Hãn, sáng tạo ra o / c / co, kèm theo cách đánh vần kì quặc: cam → a – m – am / c – am – cam. Thế là học sinh viết amc.

Năm đầu tiên triển khai, có hơn 600.000 học sinh (năm chữ số không) lưu ban lớp Một… Chương trình sau năm 2015 nhằm đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục, trị giá 70.000.000.000.000 đồng (13 chữ số không), nếu giao cho tư duy kiểu ấy, với nghiệp vụ sư phạm cỡ ấy, thì tôi đánh cuộc, họ sẽ từ bỏ e / b / be và sáng tạo ra cái mới: ô / l / lô” [7].

Chỉ còn hai năm nữa là đến 2015, liệu các nhà cải cách, các “trí thức” còn đang “ngái ngủ” sau kỳ ngủ gật có kịp bỏ cái ô / l / lô hay là thêm vội dấu ngã thành ra “l ô lô ngã lỗ” cho có cải tiến chứ không dập theo nguyên mẫu của GS. Hồ Ngọc Đại?

Nhiều ý kiến cho rằng cải cách giáo dục phải bắt đầu từ các chính sách ở tầm vĩ mô, người viết cho rằng không hẳn như vậy. Chủ trương, chính sách được thể hiện qua Luật và các văn bản quy phạm pháp luật. Không thiếu những chủ trương, định hướng bộc lộ kẽ hở, hoặc chưa chuẩn cần được phản biện, ví dụ chủ trương đào tạo nghề chỉ dừng ở trình độ cao đẳng đã nêu trên hoặc thay đổi tỷ lệ sinh viên / giáo viên từ 5-18 (dự kiến năm 2012)  lên 17-26 [8]. Đặc biệt là quy định trình độ Hiệu trưởng trường đại học trong Luật giáo dục đại học:

Khoản 2, điều 20:  Tiêu chuẩn hiệu trưởng:

a) Có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, có uy tín về khoa học, giáo dục, có năng lực quản lý và đã tham gia quản lý cấp khoa, phòng của cơ sở giáo dục đại học ít nhất 05 năm;

b) Có trình độ tiến sĩ đối với hiệu trưởng trường đại học, giám đốc học viện, đại học; có trình độ thạc sĩ trở lên đối với hiệu trưởng trường cao đẳng;

Điều khoản này mặc nhiên xóa bỏ các quy định trong quyết định 58/2010/QĐ-TTg (QĐ 58), theo đó “Hiệu trường đại học phải là nhà giáo có ít nhất 05 năm giảng dậy đại học,.. có bằng tiến sĩ”. Nó sẽ mở đường cho những “đại gia” chỉ cần có tấm bằng tiến sĩ,  làm trưởng một phòng bât kỳ nào đó (Tài vụ, Kiến thiết, Hành chính quản trị…) trong 05 năm sau đó là đủ tư cách hiệu trưởng.

Cũng cần nói thêm rằng “trình độ tiến sĩ” nêu trong luật là rất mơ hồ bởi các chuẩn mực đánh giá trình độ tiến sĩ của chúng ta so với thế giới. Hiện nay nước ta có nhiều giáo sư, phó giáo sư không có bằng tiến sĩ nhưng lại là thầy hướng dẫn các  luận án tiến sĩ, vậy họ có “trình độ tiến sĩ” không?

Điều khoản này đã chính thức hóa việc không cho phép các giáo sư, phó giáo sư làm hiệu trưởng trường đại học nếu họ không phải là tiến sĩ. Còn nếu yêu cầu có “bằng tiến sĩ” như QĐ 58 thì lại cũng “như rứa”  vì ngày nay bằng tiến sĩ có thể mua theo giá từ 6.000 – 17.000 USD [9] và hình như  chưa ai bị xử lý hình sự vì dùng bằng “rởm”.

Cải cách giáo dục phải bắt đầu từ việc "cải cách” chính những người ngồi soạn thảo điều luật. Cần phải tăng cường những người ít dính dáng đến quan trường, nhất là không liên quan đến các “nhóm lợi ích giáo dục”. Thực tế cho thấy nhiều quan chức khi đương nhiệm thì kín tiếng, khi về hưu mới  nói nhiều, vậy thì tại sao lại không tận dụng “thế mạnh” của họ?

Xây dựng ngôi trường cùng lắm mất vài năm, mua sắm trang thiết bị chỉ mất vài tháng nhưng đào tạo một đội ngũ giáo viên mất hàng chục năm. Số giáo viên hiện tại sau khoảng 30 năm nữa mới nghỉ hưu, cộng với 60 năm đã qua vị chi nền giáo dục nước ta đã và sẽ sống với đội ngũ giáo viên “kiểu cũ” này trong vòng 90 năm.  Liệu có thể tính thành tiền những thiệt hại mà dân tộc và đất nước phải gánh chịu mà nguyên nhân là sự xem nhẹ vai trò người thầy trong giáo dục đào tạo?

Cơ sở vật chất dành cho giáo dục là câu chuyện “khổ lắm, nói mãi”. Nhưng nếu không nói thì làm sao T.p Hà Nội có thể tìm ra được mấy vạn mét vuông đất đang bị “bỏ quên” ở các phường ngay tại nội thành để chuẩn bị xây trường? “Trong bất cứ trường hợp nào mở một nhà trường là bớt đi một nhà tù, trừ các trường “đội lốt”, trá hình cho âm mưu trục lợi bất chính làm tổn hại đến nhân cách và nhân phẩm của người học, người dạy”, ý kiến này của Trung tướng, PGS. Đặng Quốc Bảo [10] thật đáng để xuy ngẫm.

Hoàng đế Quang Trung trong chiếu khuyến học đã dạy: “Xây dựng đất nước phải lấy việc học làm đầu, lấy tuyển nhân tài làm gốc” (Dĩ học vi tiên -Dĩ tài vi bản). Tiếc thay ngày nay những người hiểu và làm theo đạo lý đó không chiếm số đông và cũng không có sức mạnh của một vị Hoàng đế để mà ra lệnh cho thiên hạ.

Giáo dục xuống cấp không phải là lỗi của riêng ngành Giáo dục, cũng không phải là lỗi của một vài quan chức giáo dục, nó nằm trong chiều hướng chung của toàn xã hội. Cải cách riêng ngành giáo dục sẽ chẳng mang lại điều gì mới mẻ nếu các định hướng văn hóa, xã hội, kinh tế, chính trị không được cải cách đồng bộ.

Triết học cổ đại phương Đông có câu: “Thiên đạo thượng biến, Nhân đạo thượng biến, cùng tắc tư biến”, dịch nghĩa nôm na là trời đất và con người luôn luôn vận động, biến đổi, khi đến điểm tận cùng thì phải tư duy (xuy nghĩ) mà biến đổi. Nền giáo dục nước ta đã chạm đến cái ngưỡng của “cùng tắc tư biến”, nếu không làm ngay bây giờ, e là quá chậm, nhưng nếu làm không cẩn thận lại e rằng lợi bất cập hại.

Theo TS Dương Xuân Thành

Số lượt xem : 433

Chưa có bình luận nào cho bài viết này

Các tin khác